Sri Lanka, bảo hiểm và sự sụp đổ kinh tế
Tác giả: Anoop Khanna
Nguồn: Tạp chí Bảo hiểm Châu Á | Tháng 6/2022
TỔNG HỢP
Tóm tắt
Việc Sri Lanka bị vỡ nợ, lạm phát tăng cao đã có những tác động tiêu cực lớn đến ngành bảo hiểm nước này, thể hiện ở các mặt:
– Số tiền bảo hiểm và các hạn mức trách nhiệm của các hợp đồng bảo hiểm đã thu xếp bị giảm đột ngột.
– Tình trạng thiếu ngoại tệ ảnh hưởng đến việc thanh toán các dịch vụ tái bảo hiểm.
– Đồng nội tệ mất giá tạo áp lực lên tỉ suất lợi nhuận về hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
– Cấu trúc tái bảo hiểm có thể phải thay đổi có thể gây trở ngại cho việc cung cấp các dịch vụ mới.
– Rủi ro về ngoại hối tăng cao đối với các công ty bảo hiểm do đầu tư vào trái phiếu và các khoản tiền gửi tại ngân hàng trong điều kiện các tổ chức tài chính này bị xếp hạng tiêu cực.
– Doanh thu bảo hiểm ô tô bị sụt giảm do lệnh cấm nhập khẩu ô tô của chính phủ để kiềm chế lạm phát.
– Thu nhập về đầu tư sụt giảm do các tài sản đầu tư bị mất giá.
– Rủi ro về vốn tăng cao.
Khi bất ổn xã hội và rối loạn về kinh tế nhấn chìm Sri Lanka, ngành bảo hiểm của nước này không thể tránh bị tổn hại. Tạp chí Bảo hiểm Châu Á đã có cuộc trao đổi với ông Sanjeev Jha của công ty Fairfax Châu Á để hiểu lĩnh vực bảo hiểm đang bị ảnh hưởng như thế nào.
Do quản lý tài chính yếu kém trong nhiều năm, hiện nay Sri Lanka đang trải qua một cuộc đổ vỡ về kinh tế chưa từng có. Nước này đang gặp khó khăn trong việc nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu do dự trữ ngoại hối đang chạm đáy.
Nợ quốc gia đã làm tê liệt đất nước. Thực phẩm và nhiên liệu trở nên khan hiếm. Cho đến đầu tháng 3 năm 2022, 1 đô la vẫn có giá trị tương đương với khoảng 203 LKR (đồng Rupee Sri Lanka) nhưng sau đó đồng LKR đã giảm giá. Vào ngày 12 tháng 5 năm 2022, LKR đã giảm giá xuống mức 1 đô la tương đương với 360 LKR. Toàn bộ hoạt động kinh tế và thương mại ở Sri Lanka hầu như bị đình trệ.
Trong tình hình thảm khốc như vậy, ngành bảo hiểm Sri Lanka phải đối phó như thế nào? Phát biểu với Tạp chí Bảo hiểm Châu Á, ông Sanjeev Jha, chuyên gia tư vấn Fairfax Châu Á và là người hoạt động lâu năm trong ngành bảo hiểm ở Sri Lanka cho biết: “Hai lĩnh vực chính đã tác động đến ngành bảo hiểm là sự nới lỏng đột ngột của tỷ giá đồng Rupee Sri Lanka, dẫn đến việc giảm gần 40% về giá trị của đồng tiền này trong vòng hơn một tháng và sự thiếu hụt đô la Mỹ cực kỳ nghiêm trọng và không có các phương tiện vận tải mới được nhập khẩu”.
Giá đắt phải trả từ việc đồng LKR bị sụt giảm giá trị
Ông Jha cho biết: “Sự sụt giá tiền tệ đã dẫn đến sự thiếu hụt đột ngột và ngay lập tức của số tiền bảo hiểm trong hầu hết các hợp đồng bảo hiểm về tài sản và tai nạn (P&C) vì với mức sụt giảm này, cùng một tài sản giống nhau bây giờ sẽ có giá cao hơn nếu tính theo giá trị đồng đô la và giá trị đồng đô la là quan trọng vì hầu hết các tài sản, ô tô, vật liệu xây dựng, nguyên liệu thô và nhiều thứ nữa được nhập khẩu. Trên thực tế, điều này đòi hỏi tất cả các hợp đồng bảo hiểm phải được thẩm định lại với những sửa đổi phù hợp trong các mức giới hạn rủi ro. Việc nâng cao các mức giới hạn rủi ro có thể không dễ dàng vì những giới hạn này thường bị giới hạn bởi các hợp đồng tái bảo hiểm cơ bản”.
Ông nói: “Với sự biến động này trong việc định giá, các công ty tái bảo hiểm và có thể là một số nhà bảo hiểm sẽ tư vấn giá trị các hợp đồng và việc thanh toán phí bảo hiểm sẽ bằng đô la. Tuy nhiên, điều này sẽ bị hạn chế vì tình trạng thiếu đô la nghiêm trọng ở đảo quốc này”.
Ông Jha nói: “Nếu các công ty bảo hiểm sử dụng lượng đô la dự trữ trước đó của họ để thanh toán cho các khoản tái bảo hiểm như vậy, họ có thể đang thực sự cung cấp bảo hiểm ‘miễn phí’ cho người được bảo hiểm bằng chi phí của riêng họ và điều này sẽ có tác động đáng kể đến tình hình tài chính của chính các công ty bảo hiểm đó.
Việc đồng LKR giảm giá đáng kể cũng có nghĩa là thị trường bảo hiểm nói chung ở Sri Lanka đã bị thu hẹp. Điều này có thể làm giảm sự quan tâm đến ngành này từ các tập đoàn quốc tế lớn”.
Ông nói rằng những tai ương về kinh tế sẽ còn tăng thêm do thực tế là khi nhập khẩu bị hạn chế, đầu tư trong nước sẽ bị cắt giảm do lãi suất cao và sự tăng trưởng thông qua các tài sản mới sẽ bị hạn chế.
Điều này kết hợp với sự gia tăng về chi phí do đồng LKR mất giá sẽ tạo áp lực lên tỷ suất lợi nhuận về hoạt độngkinh doanh bảo hiểm. Điều quan trọng là các công ty bảo hiểm phải thể hiện kỷ luật nghiêm ngặt về tài chính và hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong những thời điểm như thế này.
Theo tổ chức xếp hạng Fitch Ratings, các công ty bảo hiểm phi nhân thọ của Sri Lanka dựa vào các nhà tái bảo hiểm quốc tế để giảm thiểu các rủi ro trong các dịch vụ bảo hiểm không thuộc lĩnh vực bảo hiểm xe cơ giới. Fitch cho rằng bất kỳ thay đổi lớn nào về cấu trúc tái bảo hiểm khi gia hạn mới trong bối cảnh chi phí tái bảo hiểm tăng cao có thể làm suy yếu các phương thức quản lý rủi ro và khả năng thực hiện thêm các dịch vụ mới của các công ty bảo hiểm.
Xếp hạng chủ quyền của Sri Lanka đã bị Fitch hạ cấp từ “CC” xuống “C”. Cơ quan này cũng đã xếp một số tổ chức tài chính Sri Lanka vào mức hạng tiêu cực. Một số công ty bảo hiểm cũng gặp rủi ro về ngoại hối do đầu tư vào trái phiếu phát triển Sri Lanka và có các khoản tiền gửi tại các ngân hàng địa phương.
Fitch cho rằng “rủi ro cao về đầu tư và thanh khoản, áp lực lên vốn pháp định và khả năng hoạt động tài chính ngày càng xấu đi đã làm tăng rủi ro giảm giá trong ngắn hạn đối với các hồ sơ tín dụng của các công ty bảo hiểm Sri Lanka”.
Các nghĩa vụ về ngoại hối có nguy cơ không thực hiện được
Theo cơ quan này, tăng trưởng trong lĩnh vực bảo hiểm xe cơ giới – yếu tố đóng góp lớn nhất vào phí bảo hiểm phi nhân thọ của hầu hết các công ty bảo hiểm tại nước này – có thể sẽ vẫn còn giảm, do lệnh cấm nhập khẩu ô tô của chính phủ được áp dụng vào năm 2020 vẫn tiếp tục được áp dụng nhằm kiểm soát sự mất giá của tiền tệ.
Chi phí phụ tùng xe tăng do sự phá giá của tiền tệ cũng sẽ làm giảm lợi nhuận về kinh doanh bảo hiểm. Trong khi đó chi phí tổng thể cũng sẽ tăng lên khi lạm phát gia tăng. Các công ty bảo hiểm cũng có ít khả năng định giá lại các hợp đồng do thu nhập khả dụng của khách hàng bị giảm sút.
Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của hầu hết các công ty bảo hiểm được Fitch xếp hạng đã thực sự được cải thiện trong những năm gần đây do tần suất đòi bồi thường thấp hơn do các hạn chế về di chuyển liên quan đến đại dịch.
Thu nhập đầu tư bị thu hẹp
Phát biểu về thu nhập đầu tư của các công ty bảo hiểm, ông Jha cho biết: “Các tài sản mang đi đầu tư của các công ty bảo hiểm, đặc biệt là những khoản mục được định giá bằng đồng LKR, sẽ bị mất đi giá trị đáng kể. Và trong khi lãi suất tăng, nó sẽ có tác động đối trọng đến lợi nhuận thu được từ các khoản đầu tư khác. Do đó, có thể có áp lực lên các khoản lợi nhuận đầu tư trong ngắn hạn”.
Danh mục đầu tư của các công ty bảo hiểm nội địa ở Sri Lanka chủ yếu là các chứng khoán có thu nhập cố định do chính phủ phát hành hoặc bảo lãnh, các khoản tiền gửi và chứng khoán do các ngân hàng địa phương, các tổ chức tài chính phi ngân hàng và các tập đoàn doanh nghiệp phát hành.
Fitch Ratings cho biết: “Chúng tôi tin rằng các rủi ro cao về đầu tư và áp lực về thu nhập có thể ảnh hưởng đến tình trạng vốn pháp định của các công ty bảo hiểm. Sự suy thoái đáng kể trong hồ sơ tín dụng của các tổ chức tài chính có thể dẫn đến tỷ lệ vốn tính trên rủi ro theo quy định (RBC) thấp hơn, vì các khoản đầu tư sẽ phải gánh chịu các chi phí rủi ro gia tăng theo các quy tắc quản trị RBC ở Sri Lanka”.
Chính phủ Sri Lanka có lẽ cũng sẽ xem xét việc nâng cao vị thế tài chính của họ và điều này có thể dẫn đến một số hình thức pha loãng quyền sở hữu tại Tổng công ty Bảo hiểm Sri Lanka và tại các doanh nghiệp khác thuộc lĩnh vực công đang làm ăn có lãi.