CỔNG GIAO DỊCH BẢO HIỂM XÃ HỘI ĐIỆN TỬ

Chế độ nghỉ thai sản mới nhất theo quy định mà người lao động nên biết để đảm bảo lợi ích cho mình. Căn cứ vào Nghị quyết số 70/2018/QH14 ban hành ngày 09/11/2018 và Luật Bảo hiểm xã hội 2014, chế độ nghỉ thai sản của chị em phụ nữ thời điểm hiện tại đã có nhiều thay đổi so với trước đây.

Chế độ nghỉ thai sản năm 2020 có gì mới

1. Đối tượng áp dụng chế độ nghỉ thai sản

Đối tượng áp dụng chế độ thai sản bảo hiểm xã hội được quy định tại Điều 31, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Theo luật, người lao động tham gia BHXH được hưởng chế độ thai sản khi đủ một trong các điều kiện sau:

  • Lao động nữ mang thai.
  • Lao động nữ sinh con.
  • Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ.
  • Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi.
  • Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản.
  • Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.

Khi đủ một trong các điều kiện trên thì người lao động sẽ được xét chế độ nghỉ thai sản theo quy định của pháp luật.

Lưu ý: Trường hợp lao động nữ sinh con, mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ buộc phải đóng bảo hiểm từ 6 tháng trở lên trong thời gian trước 12 tháng khi sinh con hoặc nhận con nuôi. Lao động nữ đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

2. Mức hưởng mới khi nghỉ thai sản

Căn cứ vào Mục 8, Điều 4, Nghị quyết 70/2018/QH14 quy định, kể từ ngày 01/07/2019 mức lương cơ sở sẽ chính thức tăng từ mức 1,39 triệu đồng/tháng lên mức 1,49 triệu đồng/tháng. Mức hưởng mới khi nghỉ thai sản sẽ được tính dựa trên hệ số mức lương cơ sở là 1,49 triệu đồng/tháng.

Như vậy, tính tới thời điểm hiện tại, lao động nữ sinh con sẽ được nhận tiền trợ cấp thai sản tương đương là 2,98 triệu đồng mỗi tháng.

Mức hưởng thai sản được tính dựa trên mức lương cơ sở như sau:

Mức hưởng = (Mbq6t x 100% x Số tháng nghỉ việc do sinh con hoặc nuôi con nuôi) + 2 lần x Lương cơ sở

Trong đó:

  • Mbq6t: Mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
  • Mức lương cơ sở là 1,49 triệu đồng/tháng.

Ví dụ: Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội 6 tháng liền kề trước khi nghỉ sinh của chị Mai Lê là 6 triệu đồng/tháng. Chị Mai Lê được xét nghỉ sinh 06 tháng.

Tiền hưởng chế độ thai sản của chị Mai Lê là: (6 x 100% x 6) + (2 x 1,49) = 38,980đ

Thời gian nghỉ thai sản theo luật.

3. Thời gian nghỉ thai sản năm 2020

Thời gian nghỉ thai sản được quy định và điều chỉnh bởi Luật bảo hiểm xã hội 2014. Tính đến thời điểm hiện tại, thời gian nghỉ thai sản vẫn được giữ nguyên và chưa có sự thay đổi.

Căn cứ vào Khoản 1, Điều 34, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định thời gian nghỉ thai sản như sau:
“Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng. Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.”

Thời gian nghỉ thai sản thông thường theo quy định là 06 tháng, tuy nhiên sau sinh nở sức khỏe của sản phụ chưa đáp ứng được công việc sẽ được phép nghỉ thêm (quy định tại Điều 41 của Luật bảo hiểm xã hội 2014).

Căn cứ vào Điều 4, Luật bảo hiểm xã hội 2014 mục dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản quy định:
Trong khoảng thời gian 30 ngày đầu sản phụ đi làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 05 ngày đến 10 ngày. Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe được quy định như sau:

  • Tối đa 10 ngày áp dụng cho lao động nữ sinh một lần từ hai con trở lên.
  • Tối đa 07 ngày áp dụng cho lao động nữ sinh con phải phẫu thuật.
  • Tối đa 05 ngày áp dụng cho các trường hợp khác.

Lưu ý: Khi tính thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sẽ tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hàng tuần. Trường hợp có thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ cuối năm trước chuyển tiếp sang đầu năm sau thì thời gian nghỉ đó được tính cho năm trước.

Trên đây là thông tin về chế độ nghỉ thai sản mới nhất theo quy định cùng thời gian nghỉ thai sản mà Blog Tỷ Giá muốn chia sẻ đến các bạn. Hy vọng chúng sẽ giúp ích cho người lao động hiểu rõ hơn về chế độ nghỉ thai sản theo quy định của Pháp luật hiện nay.